Sau thời gian triển khai thử nghiệm và miễn phí, tuyến xe buýt nhanh BRT đã chính thức bán vé, xe buýt nhanh đã thu hút được 1,2 triệu lượt khách qua 3 tháng hoạt động. Khả quan, tuy vậy, việc kết nối các đường nhánh, dịch vụ nhà chờ… vẫn đang là điểm yếu cần sự đầu tư đồng bộ.
Tuyến buýt nhanh (Bus Rapid Transit – BRT) bắt đầu hoạt động từ ngày 31/12/2016, trở thành tuyến xe buýt nhanh đầu tiên ở Việt Nam.
Với vốn đầu tư khủng – 1.100 tỷ đồng, hạ tầng BRT được xây dựng theo “tiêu chuẩn quốc tế” kỳ vọng giúp giảm ùn tắc và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.
Chạy trên quãng đường 14,7 km từ Kim Mã (Ba Đình) đến Yên Nghĩa (Hà Đông), hệ thống buýt nhanh có 26 xe buýt đón khách từ 5h đến 22h cả 7 ngày trong tuần với tần suất 5-15 phút một chuyến, giá vé mỗi lượt là 7.000 đồng.
Đáng chú ý hơn cả, để BRT hoạt động hiệu quả, Hà Nội đã quy hoạch hạ tầng chuyên biệt. Làn đường dành cho buýt nhanh được tổ chức ở lề trái, phân cách mềm bằng đèn phản quang.
Riêng hai điểm nóng giao thông Giảng Võ và Nguyễn Tuân được dựng phân cách cứng tránh phương tiện khác lấn làn.
Những ngày đầu BRT hoạt động luôn vấp phải sự phản ứng của các loại hình phương tiện khác. Bởi giao thông từ Kim Mã đến Yên Nghĩa vốn là điểm nóng ùn tắc, nay đường tiếp tục bị thu hẹp để dành làn cho buýt nhanh, khiến hoạt động giao thông luôn như “chảo lửa”.
Theo thống kê của Xí nghiệp buýt nhanh Hà Nội cho thấy, mỗi ngày có khoảng 100 ôtô vi phạm lấn làn BRT, trong đó xe biển xanh, biển đỏ chiếm 1/4.
Giờ cao điểm, dòng phương tiện nối đuôi dài hàng kilômét tại Giảng Võ, Khuất Duy Tiến, Tố Hữu, Lê Văn Lương khiến buýt nhanh chỉ nhanh hơn buýt thường 5 phút.
Nhiều cuộc tranh luận lớn về tính hiệu quả của BRT nổ ra trong cộng đồng. Các chuyên gia nhận định, buýt nhanh không nhanh vì tính kỷ luật nửa vời của cả người dân và chính quyền.
Khảo sát của Xí nghiệp BRT cho thấy, tuyến buýt nhanh đã thu hút thêm nhiều hành khách mới sử dụng. Trong hơn 2.000 người tham gia khảo sát có 23% chuyển từ các phương tiện khác (xe máy, xe ôm, taxi…) sang sử dụng BRT.
Lượng khách chuyển từ xe máy sang chiếm tỷ lệ lớn với 16%, từ ôtô cá nhân là 3%. Ba tháng qua, tuyến buýt nhanh đã vận chuyển trên 1,2 triệu lượt khách với gần 30 nghìn lượt xe, trung bình mỗi ngày đưa đón 13.600 khách.
Phóng viên có mặt tại Yên Nghĩa lúc 6h sáng, đúng lúc một xe xuất bến. Quan sát trên xe, lượng hành khách khoảng chục người. Với 15km đường toàn tuyến, nhưng có tới 21 nhà chờ (không kể cả hai trạm đầu cuối), đồng nghĩa với việc mỗi điểm dừng cách nhau chỉ khoảng 500 mét.
Điểm dừng tiếp theo sẽ được thông báo rõ ràng trên hệ thống loa của xe. Ngoài ra, hệ thống loa còn thông báo những điểm đến hoặc tuyến xe buýt tiêu biểu mà hành khách có thể tiếp cận khi xuống tại điểm dừng đó.
Theo ghi nhận của PLVN, những lần dừng đón và trả khách lâu nhất tại nhà chờ Giảng Võ diễn ra trong khoảng 12 giây, còn hầu hết các lần khác chỉ trong 5 – 7 giây.
Một trong những bất cập mà rất nhiều người có thể cảm nhận được và e ngại sử dụng dịch vụ BRT là chưa có hệ thống kho bãi để gửi xe cá nhân, ngoại trừ hai trạm đầu cuối là Yên Nghĩa và Kim Mã.
Nếu nơi ở cách nhà chờ BRT chừng 1km, thì hành khách sẽ phải đi bộ khoảng 10 phút, trong khi vỉa hè không phải ở đâu cũng sạch thoáng và an toàn để bạn “cuốc” bộ.
Yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến tâm lý của người sử dụng dịch vụ BRT là ý thức của nhiều người tham gia giao thông còn quá kém.
Tình trạng đi vào làn BRT còn diễn ra phổ biến ngay cả khi đường thông thoáng, thậm chí đi ngược chiều vào làn BRT, cả khi có sự xuất hiện của cảnh sát giao thông.
Ngoài ra, tại nhiều đoạn đường đông đúc giờ cao điểm, hàng chục phương tiện cá nhân “ăn theo” bằng cách bám đuôi xe buýt BRT rồi vượt lên tạt đầu tại các điểm dừng.
Ghi nhận trên tuyến giờ cao điểm sáng nay, cầu vượt Lê Văn Lương là điểm tốn nhiều thời gian nhất do dòng người đông đúc chen lên cây cầu vượt chật hẹp chỉ có 1 làn xe mỗi bên.
Tại các giao lộ, các phương tiện dừng chờ đèn đỏ gần như không còn phân biệt làn cho xe buýt nhanh, khiến quá trình thoát khỏi giao lộ cũng ì ạch.
Chuyến xe phóng viên đi đến bến Kim Mã lúc khoảng 7h2’. Như vậy, chúng tôi đã mất 56 phút để di chuyển hết toàn bộ tuyến đường này.
Trong khi trước đó, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm điều hành giao thông HN cho biết tốc độ buýt nhanh đạt bình quân 45 phút/chuyến.
Như vậy, để buýt nhanh thực sự trở thành lời giải cho bài toán giao thông đô thị, hạ nhiệt ùn tắc, người dân trông đợi mạng lưới đường nhánh kết nối, dịch vụ gửi xe tại bến, tần suất lượt chuyến, công nghệ tự động hóa… nếu được bổ sung và hoàn thiện, trong tương lai không xa buýt nhanh sẽ là lời giải cho bài toán giao thông Hà Nội.
Theo: Phapluatplus
Công ty CP Truyền thông quảng cáo ngoài trời – SIXTH SENSE MEDIA
VP Hà Nội:
Địa chỉ: Tầng 3, Số 6 Nguyễn Công Trứ, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tel: (0243) 237 3692
Hotline: 0982 513 898
VP Hồ Chí Minh:
Địa chỉ: 459 Sư Vạn Hạnh, P.12, Q.10, TPHCM
Tel: (08) 88 589 489
Hotline: 0934 519 516
Email: contact@ssm.vn
Website: https://quangcaongoaitroi.org/