Ngay khi lộ trình hạn chế và dừng hoạt động xe máy tại TPHCM được diễn ra, xe buýt sẽ là phương tiện ưu tiền, chủ lực thay thế nhằm giảm tải tình trạng tắc đường tại TPHCM.
Tin liên quan
Xe máy đang chiếm hơn 80% trong tổng lưu lượng giao thông mỗi ngày tại TP.HCM, trong khi xe buýt chỉ chiếm 10%. Làm thế nào để đến năm 2030, xe buýt sẽ là chủ lực và ngưng toàn bộ xe máy đi vào một số khu vực trung tâm TP.HCM là bài toán không đơn giản.
Xe buýt phải là chủ lực
TS Lương Hoài Nam, chuyên gia giao thông, cho rằng việc xe máy chiếm hơn 80% tại TP.HCM không phải vì người dân thích đi xe máy mà vì lâu nay chính quyền thất bại trong phát triển hệ thống giao thông công cộng (GTCC). Vậy nên, để năm 2030 có thể loại bỏ được xe máy khỏi giao thông đô thị, điều kiện cần và đủ là phát triển đủ phương tiện GTCC cho đại đa số (khoảng 90% dân số) đi lại. Để làm được điều đó, xe buýt phải là chủ lực. Theo TS Nam, có nhiều loại phương tiện GTCC bổ trợ mà TP.HCM có thể lựa chọn phát triển như tàu điện ngầm, xe điện, taxi… nhưng xe buýt vẫn phải là ưu tiên hàng đầu, mang tính chiến lược và chủ lực. “Tàu điện ngầm có thì tốt, nhưng giới hạn về số bến, số tuyến và rất tốn tiền. Thực tế cho thấy, ở các đô thị trên thế giới, xe buýt là phương tiện GTCC chủ lực, với mạng lưới rộng nhất, độ phủ lớn nhất về số tuyến, số bến”, ông nói.
“Khi không còn xe máy trên đường, hạn chế được xe cá nhân thì TP.HCM sẽ không thiếu đường cho xe buýt chạy” – TS Lương Hoài Nam
Một thực tế là phát triển xe buýt ở TP.HCM dù có nhiều chương trình hỗ trợ, bù giá nhưng vẫn không hiệu quả. Nguyên nhân là xe buýt chạy chậm, không đúng giờ, không ít lần gây tai nạn nên ít được người dân lựa chọn. “Về góc độ kinh tế, không ai muốn đầu tư vào một “kẻ thất bại” nên hệ thống xe buýt lại càng xuống cấp”, ông Nam nhận xét và cho rằng, hạn chế rồi loại bỏ hẳn xe máy ở TP.HCM sau 10 – 15 năm là để đường thông, hè thoáng cho xe buýt chạy nhanh, đúng giờ, có nhiều chuyến, nhiều tuyến, an toàn; đồng thời để xe buýt có thị trường lớn, khi đó các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng tham gia.
TS Nam còn đề xuất nên phát triển cả phương tiện GTCC công suất nhỏ như “buýt mini”, xe điện, xe lam chạy theo tuyến nhưng không cần bến. Ngoài ra, người dân cũng có thể di chuyển bằng xe đạp ra bến xe. “Đoạn đường đi bộ tối đa giữa nhà dân và bến buýt phổ biến dưới 1 km là thuận tiện”, TS Nam nói.
Đồng quan điểm trên, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, phân tích: “Ở VN, sử dụng xe máy quá nhiều tạo nên một văn hóa xe máy, khiến người ta lười vận động. Vì vậy, cần lập tức thay đổi”.
Rút ngắn lộ trình xuống 2025
Thống kê của Viện Chiến lược và phát triển GTVT, tính đến tháng 7.2017, TP.HCM có gần 7,3 triệu xe máy và 2.985 xe buýt. Theo tính toán, để cấm xe máy thì đến năm 2030, số lượng xe buýt TP cần có gấp khoảng 10 lần hiện nay. Do vậy, cần thêm một nguồn vốn lớn để đầu tư mở rộng đường sá, bến bãi cho xe buýt trong khi vốn cho hạ tầng đang là bài toán nan giải của TP hiện nay. TS Lương Hoài Nam cho rằng không nên quá lo ngại vấn đề này. Ông dẫn chứng: Số lượng phương tiện ô tô con bình quân ở VN là 140 chiếc/1 km đường, bằng 1/2 so với Singapore (280 chiếc/1 km đường) và gần 1/3 so với Hồng Kông (350 chiếc/1 km đường); trong khi bình quân hiện có khoảng 2.000 xe máy/1 km đường. Nếu “quy đổi” 2.000 xe máy/1 km đường thành ô tô con, cộng với 140 ô tô con/1 km đường hiện có thì mật độ phương tiện cá nhân bình quân lên hơn 500ô tô/1 km đường. “Cao như vậy không tắc đường mới lạ”, ông đánh giá và kết luận: “Khi không còn xe máy trên đường, hạn chế được xe cá nhân thì TP.HCM sẽ không thiếu đường cho xe buýt chạy”.
Từ đó, ông Nam đề xuất TP cần phát triển sớm các hạng mục hạ tầng cho xe buýt bao gồm các làn đường dành riêng; các ga buýt và các trạm trung chuyển buýt (khoảng 30 ga, trạm). “Nếu dựa vào xe buýt là chủ lực, kết hợp các loại GTCC công suất nhỏ thì không cần chờ đợi các tuyến tàu điện ngầm, TP.HCM có thể thay thế hoàn toàn xe máy vào năm 2025”, ông Nam khẳng định.
PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa cũng cho rằng TP.HCM đặt lộ trình cấm xe máy đến 2030 là quá lâu, nên rút ngắn lộ trình xuống năm 2025. Trong lộ trình này, ông Hòa đề xuất bước đầu cần thực hiện tốt công tác thông thoáng vỉa hè, ngõ hẻm. “Nếu quyết tâm dẹp hết quán cóc, chợ cóc, giành lại vỉa hè thì không thiếu chỗ cho người đi bộ, cho xe buýt đặt bến”, ông Hòa khẳng định.
Liên quan đến lộ trình hạn chế xe cá nhân, một chuyên gia giao thông đưa 2 giải pháp. Thứ nhất là “gây khó khăn” cho các phương tiện cá nhân. Thứ hai là chỉ tập trung đầu tư xe buýt, kết nối các tuyến xe buýt đến khu vực trung tâm, các điểm người dân đi làm, đi học. Đặc biệt hạn chế taxi; dần thay thế xe máy, xe tải con, xe tải nhẹ bằng xe buýt. Khi xe buýt đã có đà phát triển rồi sẽ dần tiến đến cấm phương tiện cá nhân.
Theo: Báo Thanh niên